Thành trì trên lưng sinh vật thần thánh – Ark of Charon (Early Access)

Ark of Charon (Early Access)

Strategy, Colony Sim, Tower Defense, Management, Survival, Building
https://store.steampowered.com/app/2827810/Ark_of_Charon/

Ark of Charon là một trò chơi quản lý chiến thuật kết hợp với yếu tố thủ thành đã ra mắt phiên bản Early Access vào đầu tháng 7 vừa qua, bạn sẽ được chễm chệ trên lưng một sinh vật thần thánh và hỗ trợ nhau bôn ba qua khắp các vùng đất khác.

Cốt truyện mở đầu tương đối đơn giản nhưng vẫn được đầu tư bằng nhiều hoạt ảnh và các đoạn cắt cảnh chỉnh chu, kể về Cây sự sống từng đem đến sự phồn vinh cho nhân loại nhưng bỗng chốc héo tàn đẩy thế giới chìm sâu vào bóng tối. Trước viễn cảnh của sự tận diệt, 3 chú golem phát hiện ra mầm cây của sự sống vẫn còn đang vươn lên và quyết định cùng nhau tiến về vùng đất mới để phục hồi lại sự sống cho nhân loại. Một cốt truyện rất dễ tiếp cận và nắm bặt, nó không quá phức tạp hay tràn đầy bí ẩn mà chỉ đơn thuần giới thiệu sơ lược về bối cảnh, là tiền đề vừa đủ cho trò chơi mô phỏng xây dựng kết hợp với thủ thành.

Bắt đầu bằng phần nhìn, đồ hoạ của Ark of Charon cũng hướng đến sự dễ nhìn để người chơi có thể nhanh chóng bắt nhịp và làm quen, các cảnh nền được tô điểm theo kiểu gam màu nước rất sâu và đậm, trái ngược với phần nổi phía trước là nơi diễn ra các hoạt động của người chơi, nó rất sáng và rõ ràng, kể cả khi nhìn sâu vào lòng đất, mọi thứ vẫn hiện rất rõ để người chơi nắm bắt chi tiết toàn cảnh. Các công trình, vật dụng, hoạt ảnh tuy không quá chi tiết và sắc sảo nhưng cũng được hoàn thiện tốt, kiến trúc khối gõ, phát triển lên khối đá và thành xi măng thậm chi là kim loại đều có những thay đổi rõ ràng và đặc trưng riêng với phong cách rất riêng.

Giao diện điều khiển hiện tại còn khá rối và tù túng, kể cả khi nó đã được thay đổi rất nhiều giữa các lần mà tôi trải nghiệm qua, nhất là các nút hiển thị ở thanh chính bên dưới cũng được vẽ lại theo phong thái hiện đại và phẳng hơn rất nhiều nhưng thực sự tôi vẫn thích kiểu cũ hơn dù nó hơi khó nhìn và có cảm giác bị chìm. Phần quản lý, theo dõi và điều khiển bạn sẽ rất dễ tiếp cận và làm quen với chúng sau vài lần tìm hiểu phức tạp đầu tiên nhưng sự trực quan và góc độ nghệ thuật không có nhiều, cảm giác mang đến một chương trình sắp xếp và làm việc hơn là một trò chơi hướng đến sự nhập tâm vào một thế giới sinh tồn khắc nghiệt.

Gameplay phức tạp và có chiều sâu là điểm độc đáo của Ark of Charon mà bạn không thể bỏ qua. Việc xây dựng tương đối nhẹ nhàng và dễ sử dụng nhưng cần phải tính toán cẩn thận và chú ý ngay từ sớm, người chơi sẽ xoay quanh 2 loại công trình là bên trong và ngoài trời cho các vật dụng riêng, mỗi phần sẽ chiếm 1 kích thước nhất định và bị giới hạn trên lưng của sinh vật nên đây là điều quan trọng khi hướng đến việc phân phối và sắp xếp kích thước hợp lý cho từng gian phòng, công trình, công cụ, nhưng trò chơi lại không cho bạn thông tin rõ ràng về các nâng cấp kế tiếp khiến việc xây dựng luôn đi kèm với cải tổ và trùng tu rất nhiều, giống với việc ép bạn phải nhớ và tự sắp xếp hợp lý sau mỗi lần thất bại.

Việc khai thác và sắp xếp tài nguyên sẽ rất quen thuộc khi bạn đã thử qua các trò chơi cùng thể loại, phần giống nhất chính là Oxygen not Include khi bạn phải đào và gom các tài nguyên về các hộp chứa thích hợp, trong Ark of Charon các tài nguyên được đặt theo từng loại riêng lẻ và từng hộp và có thể xếp chồng lên nhau, nó sẽ chiếm diện tích rất nhiều nhưng dễ quan sát hơn, việc quản lý và theo dõi các tài nguyên trong kho đồ rất thường xuyên và xuyên suốt trò chơi, kể cả từ quá trình khai thác ban đầu cho đến giai đoạn sản xuất, sử dụng và bắt đầu di chuyển.

Cốt lõi của Ark of Charon vẫn là sinh tồn và thủ thành nên bên canh việc xây dựng nhà cửa thông thường thì các công trình phòng thủ vẫn cực kỳ quan trọng, không chỉ
ở sức tấn công mà còn là phòng thủ, ở những lần chơi đầu, các quái vật đông và quá cứng luôn là nguyên do thất bại nhưng khi việc tấn công ổn định thì yếu tố chống chịu của công trình cũng là 1 vấn đề đáng cân nhắc nếu bạn không muốn giống tôi ở cuối video. Thông thường sau khoảng thời gian ước chừng 5 ngày, một đợt quái sẽ xuất hiện và người chơi phải liên tục di chuyển trên lưng thần thú khiến việc khai thác tài nguyên và sản xuất luôn phải tính toán quỹ thời gian phù hợp, thiếu tài nguyên thì kết cục xấu, nhưng thừa quá nhiều tài nguyên cũng chưa chắc tốt vì diện tích và trọng lượng luôn có giới hạn.

Ở mỗi lần chơi mới, yếu tố Roguelite cũng sẽ khiến việc tính toán cần phải cẩn trọng ngay từ sớm qua việc lựa chọn đường đi, không chỉ một mà ở tất cả các tuyến đường vì lượng tài nguyên phân phối rất giới hạn và đặc thù, bạn không thể tìm thấy gỗ về sau hoặc quặng sắt khan hiếm hay cạn kiện than đá, việc phân bố các tuyến tài nguyên cũng góp phần tăng thêm nhân lực bằng cách tạo các golem mới cũng là cách hiệu quả để thăng tiến sức mạnh.

Hiện Ark of Charon vẫn đang trong giai đoạn Early Access nên lượng nội dung tuy không nhiều nhưng vẫn rất có tiềm năng và chiều sâu ở thời điểm hiện tại, nếu bạn ưa thích dòng game chiến thuật quản lý xây dựng có nhiều điều mới mẻ hoặc đơn thuần là sự thử thách ở dòng game thủ thành thì đây là trò chơi rất đáng thử qua.

Theo dõi
Thông báo
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments